Cuộc sống, dù chỉ ngắn ngủi nhưng nếu ta biết sử dụng, tất sẽ nhận được hạnh phúc.
Đã bao giờ bạn tự hỏi chết là như thế nào? Liệu trên đời có hay không tồn tại một thế giới của những người đã chết? Chắc chắn có nhiều người trong chúng ta đã từng đi qua thời thơ ấu với những thắc mắc như thế.
Mùa hè năm lên sáu tuổi, gia đình mẹ con Chiaki lâm vào cảnh khốn cùng. Mẹ cô bé quá đỗi tiều tụy không thể chăm lo nổi cho Chiaki nhạy cảm và đang khủng hoảng bởi sự đi bất ngờ của bố. Nhưng, từ sau khi dọn đến khu căn hộ cho thuê có tên Cây Dương, Chiaki dần tìm lại hạnh phúc tuổi thơ tưởng chừng đã mất, nhờ có bà cụ chủ nhà – khó tính, nấu ăn dở, ưa sạch sẽ, hay dọa trẻ con… nhưng âm thầm tốt bụng. Thời gian thấm thoắt trôi, hai mươi năm sau Chiaki nhận được tin bà qua đời. Trên hành trình quay về dự đám tang bà, dòng ký ức ngọt ngào của những tháng ngày sống tại Cây Dương lặng lẽ ùa về. Nơi đây, cô đã tìm ra một sự thật, về chính bản thân cô, về mẹ cô, và nhất là về bà cụ, người dù đã mất đi nhưng sẽ mãi luôn còn ở đó. Và một mùa thu nữa lại trải lá vàng lên khu căn hộ Cây Dương.
Câu chuyện đề cập nhiều đến cái chết. Cái chết xuất hiện thường trực trong những thắc mắc của bọn trẻ. Rằng " Một người đột nhiên chết thì sẽ như thế nào?"; "Có ma không? Ma nhẹ bỗng hay là nặng như một bao cát?"; "Ai cũng phải chết mà sao lại thấy sợ"... Có cả những cái chết thật: là cái chết của bà Yamashita, cái chết của ông cụ; Có cả những cái chết hụt: là khi Yamashita bị chuột rút trong bể bơi... Thế nhưng, xuyên qua bóng đen u ám của sự kết thúc ấy lại là những tia sáng rực rỡ của sự hồi sinh, dù chỉ là trong khoảnh khắc.
Giọng điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, lời văn đẹp, giàu chất thơ, lồng ghép những triết lý nhẹ nhàng mà sâu sắc, thể hiện một cách cảm - cách nghĩ đậm chất Phương Đông.
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của của Kazumi – Khu vườn mùa hạ (Natsu no niwa) xuất bản lần đầu năm 1992 đã nhanh chóng giành được thành công ở trong và ngoài nước. Tác phẩm tiếp theo của cô – Mùa thu của cây dương (Popura no Aki) cũng nhận được rất nhiều chú ý từ dư luận, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
0 comments:
Đăng nhận xét