Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Người Pháp và người Annam

DiemSach.Net





Chắc hẳn sẽ có nhiều người đặt câu hỏi tại sao tác giả lại đặt tựa đề cuốn sách Người Pháp và người Annam - bạn hay thù? Chỉ một chuyện ấy thôi cũng tạo nên sự hứng thú và quan tâm đặc biệt. Bởi vì “bạn hay thù” thì lịch sử tự thân nó đã có câu trả lời khách quan mà không phụ thuộc vào thiên kiến của người viết sử, như có ai đó đã từng nói: “Người ta chỉ có thể xuyên tạc lịch sử chứ không thể viết lại lịch sử được”. Nhưng dưới con mắt của một nhà báo, nhà sử học chuyên nghiên cứu về Đông Dương như Philippe Devillers thì vấn đề này đã được soi rọi dưới một góc độ chuyên môn và cẩn trọng.

Công trình này được Philippe Devillers dày công sưu tầm tài liệu, biên soạn cách đây hơn 50 năm. Tuy nhiên nó mới chỉ được Nhà xuất bản Denoel xuất bản bằng tiếng Pháp năm 1998. Và cuốn sách này là bản dịch đầu tiên ra tiếng Việt. Đó là một tin vui cho mọi người, đặc biệt là với giới sử học, và những ai quan tâm đến lịch sử Việt Nam thời cận hiện đại.

Trong cuốn sách này, Philippe Devillers lấy thời gian từ 1856 - 1902, chỉ vẻn vẹn gần 50 năm, nhưng các biến cố lịch sử xảy ra đối với nước Pháp và nước An Nam thật dồn dập, gay cấn và phức tạp, đã trở thành đề tài thu hút bao tâm lực của tác giả trong việc sưu tầm tư liệu, thẩm định và biên soạn nên nó.

Là người Pháp, lại có thời gian dài sống ở Việt Nam, khi mà các sự kiện lịch sử liên quan đến công trình của mình diễn ra không lâu lắm, điều này đã đem lại cho ông lợi thế rất nhiều so với các đồng nghiệp.

Những sự kiện xảy ra trong triều đình nhà Nguyễn, phản ứng của dân chúng Việt Nam cùng động thái của chính phủ Pháp từ buổi đầu người của họ tìm kiếm thuộc địa, tiến hành xâm lăng, cho đến khi họ đã đặt được ách cai trị trên một đất nước xa xôi đã được tác giả theo sát, chiếu rọi, mổ xẻ để trình trước chúng ta bức tranh toàn cảnh, chi tiết về một giai đoạn lịch sử Đông Dương cận đại.

Vậy thì Người Pháp, người Annam - bạn hay thù? Người Pháp đến tìm gì ở Việt Nam, ở một nơi xa xứ sở của họ như vậy? “Một cuộc phiêu lưu thuộc địa” ư? Hay là chuộng cái lạ? Những thị trường tiêu thụ cho thương mại? Con đường tơ lụa của Trung Quốc? Một mảnh đất để truyền đạo hay thực thi sứ mệnh khai hóa? Bảo vệ “những quyền con người”? Độc giả sẽ phán xét qua tất cả những mảng màu tối sáng đó.



0 comments: