mua bán rao vặt khu vực Sài Gòn

http://www.muabansaigon.com

Thị Trường Tài Chính

Thị Trường Tài Chính

Cao Huyết Áp

caohuyetap.info cung cấp thông tin về phòng chống và trị bệnh Cao Huyết Áp.Thông tin và tư vấn trên website chỉ có giá trị tham khảo.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Nhà văn Pulitzer viết về 'chuyện giường chiếu' của Diana

Robert Olen Butler - tiểu thuyết gia từng sang Việt Nam - sắp xuất bản tập truyện ngắn về đời sống tình dục của các nhân vật nổi tiếng, trong đó có thái tử Charles và công nương Diana. Cuốn sách có cái tên khá trần trụi "Intercourse" (Giao hợp) sẽ xuất bản vào tháng 5 tại Mỹ.

Cuộc sống riêng tư của Charles và Diana là đề tài bình luận của các tờ báo lá cải suốt nhiều năm qua. Nhưng đây là lần đầu tiên, họ trở thành nhân vật của một nhà văn danh tiếng như Olen Butler.

Robert Olen Butler, tác giả đoạt giải Pulitzer năm  1993, miêu tả người thừa kế ngai vàng nước Anh như một ông chồng quẫn  trí. Ông thường xuyên "hừm hừm một cách bấn loạn" mỗi khi làm tình với  cô vợ trẻ. Butler còn tưởng tượng ra những suy nghĩ của Charles và Diana
khi họ hòa mình vào một mối tình rõ ràng là không có sự đắm say.

Trong khi thái tử cảm thấy vợ mình nồng nàn mùi clo và chất khử trùng thì Diana thường xuyên hồi tưởng về những tháng ngày  tuổi thơ như một cách thoát khỏi cuộc hôn nhân cực hình.




Nhà văn Robert Olen Butler

Butler cho biết, ông viết Intercourse không phải để chuốc lấy những cuộc tranh cãi rẻ tiền hoặc xâm phạm đời sống riêng tư của bất cứ nhân vật nào khác. Ngoài Charles và Diana, nhà văn
còn viết về vợ chồng các tổng thống Mỹ Bill và Hillary Clinton, George và Laura Bush. Trong trang văn của Butler, chàng sinh viên trường luật Clinton, khi làm tình lần đầu tiên, vẫn tranh thủ suy tính về con đường chính trị của mình.

“Tác phẩm không chỉ là chuyện làm tình hay việc các cơ thể quấn lấy nhau. Nó là sự thể hiện dòng ý thức của nhân vật, một cách để miêu tả thế giới nội tâm của con người", Butler nói.

Robert Butler hiện là giáo sư dạy viết văn tại Đại học bang Florida. Ông nổi tiếng là một bậc thày trong việc miêu tả tâm lý  nhân vật, biểu hiện thế giới suy tưởng của con người.

Cách đây 2 năm, nhà văn xuất bản cuốn Severance (Cắt rời), một tập truyện khai thác những suy nghĩ cuối cùng của những bộ não bị chặt lìa khỏi cơ thể. Tác phẩm dựa trên những bằng chứng khoa học rằng, não bộ con người vẫn hoạt động khoảng 60 giây sau khi những
cái đầu bị cắt đứt. Nhân vật của ông là Hoàng hậu Marie Antoinette, John
the Baptist, một nạn nhân của Al-Qaeda...
“Tôi luôn đồng ý với W.B. Yeats. Ông nói rằng, tình dục và cái chết là những thứ thu hút sự quan tâm của cả những trí tuệ vĩ đại nhất. Severance là cuốn sách về cái chết, còn Intercourse là cuốn sách về tình dục", nhà văn tâm sự.

"Sự cố để đời này" góp phần thay đổi thái độ của nhà văn khi miêu tả đời sống tình dục của con người. Ông bỏ qua mọi sự dè dặt khi miêu tả chuyện phòng the của những nhân vật khác nhau, từ Adam và Eve; Bonnie và Clyde; Vua Henry VIII và Anne Boleyn, đến thậm chí là
cả Santa Claus và một nữ nhân lùn.

Cuốn sách mới của Butler được nhà phê bình John Carey của tờ The Sunday Times đón chào nồng nhiệt: “Đây là điều từ lâu chúng ta không được thấy lại trong văn học. Hãy nhớ lại Antony and Cleopatra của Shakespeare. Đó là câu chuyện tình vĩ đại. Và tôi không lấy gì làm ngạc nhiên, nếu có ai đó cũng làm điều tương tự".

Tuy nhiên, Hugo Swire, một cựu công chức từng làm việc trong ngành văn hóa, lại quyết liệt lên án cuốn sách. “Không bao giờ con người ngừng việc khai thác sự rủi ro của người khác. Tôi chỉ mong sẽ không có ai đi mua cuốn sách này", ông nói.

Butler chỉ liên hệ tác phẩm của ông với một câu nói nổi tiếng của Carlos Fuentes - nhà văn Mexico rằng, văn học là "một đống hư cấu nhằm săn lùng sự thật".

Butler đoạt giải Pulitzer với cuốnA Good Scent from a Strange Mountain (Hương thơm từ núi lạ) - một tập truyện ngắn viết về đời sống của những người Việt nhập cư sang Mỹ. Đây là cuốn sách thứ hai ông viết về người Việt, sau The alleys of Eden (Những ngõ hẹp của thiên đường)
- tiểu thuyết đầu tay về những ngõ hẻm ở Sài Gòn. Robert Butler sang Việt Nam lần đầu vào những năm 1970. Lúc đó ông là trợ lý biên dịch cho một sĩ quan Mỹ.

(Nguồn: TOL)


Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Sơn Nam "ở trọ trần gian"

 

 
Tính đến ngày 13/8 vừa rồi, nhà văn Sơn Nam rời xa “cõi tạm” tròn 3 năm (2008 - 2011). Sinh thời, Sơn Nam được rất nhiều người yêu quý, nhiều đại gia còn muốn mời ông về làm “môn khách” trong nhà. Nhưng Sơn Nam vẫn thích ở trọ nơi có nhiều người lao động tay chân, thích sống gần những mảnh đời cơ cực.
 
Ông Đào Tăng, năm nay ngoài 70 tuổi - một người mến mộ rồi trở nên thân thiết với Sơn Nam và gia đình nhà văn, đã kể với TT&VH về những tháng ngày nhà văn “ở trọ trần gian”. Đào Tăng có viết một cuốn sách về Sơn Nam đang được NXB Trẻ ấn hành. Ngoài sách, Đào Tăng hiện có một thùng sữa bò dùng đựng hình Sơn Nam mà ông đã chụp trong những năm được “đi và ở” với nhà văn.
 
“Sơn Nam đi bụi”

Bắt sấu rừng U Minh hạ - Sơn Nam

TRUYỆN NGẮN CỦA SƠN NAM

 

 

NVTPHCM- Nơi sông rạch, cá sấu là giống hung hăng nhứt. Có điều đáng chú ý là chúng không thích những chốn sông sâu nước chảy, có sóng gió. Chúng lên tận ngọn cùng, tìm nơi yên tĩnh, chật hẹp. Vùng U Minh hạ, sấu thường đi ngược sông Ông Ðốc, rạch Cái Tàu vào giữa rừng tràm.

Tại sao vậy?

Tuy là thích ăn thịt người, loại sấu vẫn tìm cá làm món ăn chánh. Rừng U Minh hạ thuộc về loại trầm thủy (1) cá sanh sôi nẩy nở rất nhanh chóng; lên đó tha hồ mà ăn.

Ðến mùa nắng hạn rừng khô, sấu khỏi phải trở về sông Cái. Trong rừng có sẵn nhiều ao, nhiều lung (2), sấu cứ gom vào đó mà lập căn cứ sanh con đẻ cháu, năm này qua năm khác, cứ như vậy cho tới khi người Việt Nam ta đổ tràn xuống rạch Cái Tàu mà lập nghiệp. Ban đầu, họ ngỡ rằng sấu chỉ ở dưới sông, sau khi câu được chừng năm mười con sấu ở ngọn rạch họ đinh ninh cho là sấu đã giảm bớt... Mười phần chết bảy còn ba. Mãi đến khi có người lên rừng ăn ong (3) chạy về loan báo:

- Sấu ở giữa rừng nhiều như trái mù u chín rụng!

So sánh như vậy, không phải là quá đáng! Dân làng xúm nhau lên rừng để nhìn tận nơi. Cái ao lớn ước một công đất, bên bờ, dưới nước, toàn là lau sậy, dây cóc kèn (4). Sấu nổi lên, chen vào những bức tranh mầu xanh ấy những vệt đen chi chít: con thì nằm dài như chiếc xuồng lường (5), con thì dùng hai chân trước mà vạch sậy, ngóng mỏ xéo lên trời như họng súng thần công đại bác. Biết có loài người đến quan sát, chúng vẫn điềm nhiên sưởi nắng, bắt cá. Duy có con sấu già trợn mắt hướng về lũ người rồi bò thối lui vào giữa lòng ao, để thủ thế. Dân làng nhìn nhau như ra lịnh rút lui. Nghi ngờ gì nữa! Con sấu nọ có đốm đỏ ngay giữa tam tinh (6). Nó là "sấu chúa" sống lâu đời, nhiều phen kịch chiến với loài người. Khi ở trên cạn, sấu không nguy hiểm bằng một con rắn hổ. Sấu chúa khôn lắm, nó toan dụ địch thủ vào hang của nó nơi nước sâu. Trong số người khi nãy, có kẻ cẩn thận mang theo mác thông(7), lao, ná lẫy, nhưng họ dư hiểu rằng mớ khí giới ấy chỉ có hiệu lực đối với cọp, heo rừng. Ðằng này, sấu lại là loài ở nước, ở bùn lầy. Chống xuồng vào thì ao quá cạn, còn đi bộ xuống thì lún ngập gối.

Cái ao sấu ở ngọn rạch Cái Tàu đã bị phát giác. Tin ấy đồn đãi lần lần, thấu đến tai ông Năm Hên, người thợ già chuyên bắt sấu ở Kiên Giang đạo (8), tức là vùng Rạch Giá ngày nay. Ông bơi chiếc xuồng ba lá nhỏ đến địa phận làng Khánh Lâm, ngọn rạch Cái Tàu. Trong xuồng, có vỏn vẹn một lọng nhang trần (9) và một hũ rượu.

Từ sớm tới chiều, ông bơi xuồng tới lui theo rạch mà hát:

Hồn ở đâu đây?
Hồn ơi! Hồn hỡi!
Xa cây xa cối,
Xa cội xa nhành,
Ðầu bãi cuối gành
Hùm tha, sấu bắt
Bởi vì thắt ngặt
Manh áo chén cơm
U Minh đỏ ngòm,
Rừng chàm xanh biếc!
Ta thương ta tiếc,
Lập đàn giải oan...

Giọng nghe ảo não, rùng rợn. Dân làng thấy chuyện kỳ lạ, xuống đứng dưới bến để nhìn kỹ. Ðoán chừng ông lão nọ là người có kỳ tài, họ mời ông lên nhà, làm thịt gà, mua rượu thết đãi.

Sau khi tự xưng danh tánh, ông bảo:

- Nghe đồn có ao sấu, tôi chẳng nệ đường xa để tới xứ Khánh Lâm này...

- Té ra ông thợ câu sấu!

Ông Năm Hên lắc đầu:

- Thợ bắt sấu chớ không phải thợ câu. Hai nghề đó khác nhau.

Câu thì dùng lưỡi sắt, móc mồi bằng con vịt sống. Ðó là ở dưới nước. Ðằng này tôi chuyên bắt sấu trên khô, không cần lưỡi.

- Vậy chớ ông bắt bằng gì?

- Tôi bắt bằng... hai tay không.

Ai nấy ngạc nhiên. Ông Năm Hên cười giòn:

- Bà con cô bác không tin sao?

Ai nấy nửa tin nửa nghi. Họ cố nhớ lại cách bắt sấu của mấy người thợ nào đến giờ. Bắt sấu bằng hai tay không quả là phi phàm, thế gian hi hữu. Không lẽ ông Năm Hên này lại nói láo để lường gạt, ổng nào đã mở miệng xin tiền bạc cơm gạo gì của xóm này! Ai nấy nôn nao, thiếu điều muốn năn nỉ ông đi bắt sấu tức thì để coi thử cách thức.

- Thưa ông, chừng nào ông ra nghề để cho dân làng chúng tôi được mừng? Nếu cần tiếp giúp chuyện chi, chúng tôi sẵn sàng. ở xóm này thiếu gì trai lực lưỡng đã từng gài bẫy cọp, săn heo rừng.

Ông Năm Hên đáp:

- Sáng mai sớm, đi cũng không muộn. Tôi cần một người dẫn đường đến ao cá sấu đó. Có vậy thôi! Chừng một giờ đồng hồ sau là xong chuyện! Sấu ở ao giữa rừng, tôi bắt nhiều lần rồi. Bà con cứ tin tôi. Xưa nay, bị sấu bắt là người đi ghe xuồng hoặc ngồi rửa chén dưới bến, có bao giờ sấu rượt người ta giữa rừng mà ăn thịt? Tôi đây không tài giỏi gì hết, chẳng qua là biết mưu mẹo chút ít, theo như người khác thì họ nói đó là bùa phép để kiếm tiền. Nghề bắt sấu có thể làm giàu được ngặt tôi không mang thứ phú quới đó. Nói thiệt với bà con: cha mẹ tôi sanh ra chỉ có hai anh em tụi tôi. Anh tôi xuống miệt Gò Quao phá rừng lập rẫy hồi mười hai năm về trước. Sau được tin cho hay: ảnh bị sấu ở Ngã ba Ðình bắt mất. Tôi thề quyết trả thù cho anh. Cực lòng biết bao nhiêu khi nghe ở miệt Rạch Giá, Cà Mau này có nhiều con rạch, ngã ba, mang tên Ðầu Sấu, Lưng Sấu, Bàu Sấu, sau này hỏi lại tôi mới biết đó là nơi ghê gớm, hồi xưa lúc đất còn hoang. Rạch Cà Bơ He, đó là chỗ sấu lội nhiều, người Miên sợ sấu không dám đi qua nên đặt tên như vậy, cũng như phá Tam Giang, truông nhà Hồ của mình ngoài Huế.

***

Sáng hôm sau, ông Năm Hên đi lên ao sấu, có Tư Hoạch một tay ăn ong rất rành địa thế vùng Cái Tàu dẫn đường. Nhiều người nài nỉ xin đi theo. Ông Năm Hên cản lại:

- Ði nhiều chộn rộn lắm. Tôi không giấu nghề với bà con đâu. Có Tư Hoạch đi theo coi mà.

Ðã quá giờ ngọ.

Ngóng về phía ao sấu U Minh hạ, ai nấy đều thấy một làn khói đen bốc lên. Ban đầu ngỡ là cháy rừng, chập sau, khói lụn xuống. Trong lúc đó, bà con xóm Cái Tàu lo nấu cơm, mua rượu đợi chiều làm tiệc ăn mừng. Nhưng ngạc nhiên làm sao, trời về xế, lúc ai nấy đang nghỉ trên nhà, bỗng nghe tiếng kêu réo từng hồi:

- Bà con ơi! Ra coi sấu... Bốn mươi lăm con còn sống nhăn.

Rõ ràng là giọng Tư Hoạch.

- Diệu kế ! Diệu kế! Tôi là Tư Hoạch đi bắt sấu về đây. Bà con coi sấu lội có hàng dưới sông mình nè! Một đời người mới có một lần.

Dưới sông, Tư Hoạch ngồi trên xuồng, bơi nhè nhẹ như đi dạo mát.

Tiếp theo lái xuồng là một bầy sấu, con này buộc nối đuôi con kia, đen ngòm như khúc cây khô dài. Mỗi con sấu, hai chân sau thúc kê trên lưng, hai chân trước tự do, quạt nước cầm chừng như tiếp sức với Tư Hoạch để đẩy chiếc bè quái dị kia đi nhẹ nhàng. Thực tế hay là chiêm bao? Người thì đứng há miệng sửng sốt rồi toan chạy vào nhà trốn. Người khác khấn vái lâm râm, e nay mai xóm này bị trừng phạt của quỷ thần. Vài người dạn hơn, bơi xuồng ra giữa sông, nhìn bầy sấu nọ cho tỏ rõ rồi rước Tư Hoạch vào bờ hỏi han rối rít.

Ðại khái Tư Hoạch trình bày:

- Tới ao sấu, ông Năm Hên đi vòng quanh dòm địa thế rồi ngồi xuống uống một chung rượu. Kế đó ổng với tôi lấy xuổng(10) đào một đường nhỏ, ngày một cạn, từ ao lên rừng chừng mười thước. Xong xuôi, ông biểu tôi bứt cho ổng một nắm dây cóc kèn. Phần ổng thì lo đốn một đống cây mốp tươi (11), chặt ra khúc chừng ba tấc.

Lửa châm vô sậy đế, cóc kèn xung quanh, bắt cháy xuống đám sậy đế trong ao. Chập sau, bị khói bay cay mắt, ngộp thở, phần thì nước sôi nóng, sấu bò lên rừng theo con đường đào sẵn hồi nãy. Tức thời, ông Năm Hên chạy lại. Sấu há miệng hung hăng đòi táp ổng. ổng đút vô miệng sấu một khúc mốp. Sấu táp lại, dính chặt hai hàm răng: như mình ngậm một cục mạch nha quá lớn, muốn há miệng cho rộng để nhả ra cũng không được. Sau khi bị khúc mốp khóa miệng, còn cái đuôi đập qua đập lại. Ông Năm Hên xách cây mác nhắm ngay sau lưng sấu mà xắn nhè nhẹ để cắt gân đuôi. Ðuôi sấu bị liệt. Thế là mình yên trí, lấy dây cóc kèn trói thúc ké hai chân sau của nó lại, chừa hai chân trước để nó bơi tiếp với mình.

- Thực là bực thánh của xứ này rồi! Mưu kế như vậy thực quá cao cường. ổng đâu rồi? Sao không thấy ổng về? Xóm mình nhất định đền ơn ổng một số tiền, nuôi ổng cho tới già, ở xóm này. Bà con tính sao?

Tư Hoạch nói:

- Mà quên! ổng biểu tôi về trước cho bà con coi thử. Phần ổng mắc ở lại cúng "đất đai vương trạch"(12) rồi đi bộ về sau.

Chưa dứt lời, bên sông nghe tiếng hát của ông Năm Hên, ngày một rõ:

Hồn ở đâu đây?
Hồn ơi! Hồn hỡi!
Xa cây xa cối,
Xa cội xa nhành,
Ðầu bãi cuối gành,
Hùm tha, sấu bắt,
Bởi vì thắt ngặt,
Manh áo chén cơm,
U Minh đỏ ngòm,
Rừng tràm xanh biếc!
Ta thương ta tiếc,
Lập đàn giải oan...

Tiếng như khóc lóc, nài nỉ. Tiếng như phẫn nộ, bi ai. Ghê rợn nhứt là khi thấy ông đi ra khỏi mé rừng, áo rách vai, tóc rối nùi, mắt đỏ ngầu, bó nhang cháy đỏ quơ qua quơ lại trên tay.

- Coi tướng của ổng ghê như tướng thầy pháp! Một người thốt lên như vậy.

Nhưng có tiếng khóc sụt sùi đâu đây. Ðó là vài cụ già, bà lão chạnh nhớ đến tổ tiên, đến bạn bè của mình, biết đâu trên bước đường sanh nhai giữa chốn nước đỏ rừng xanh, có thân nhân của họ đã bỏ thân vì đàn sấu này. Bó nhang đang cháy kia có giải oan được cái chết của họ không chớ?

 

Ghi chú:
(1): Trầm thủy: Loại đất thấp ngậm nước.
(2): Lung: đầm nhỏ, sình lầy cạn.
(3): Ăn ong: lấy mật ong trong rừng.
(4): Dây cóc kèn: loại cây dây leo ở rừng nước mặn bền chắc, dùng để trói buộc rất tốt.
(5): Xuồng lường: xuồng được làm bằng một cây đục thành (xuồng độc mộc).
(6):Tam tinh: điểm ở trán, giữa hai mắt.
(7): Mác thông: mác có cán dài.
(8): Kiên Giang đạo: đạo là đơn vị hành chính thời xưa tương đương một châu, một quận.
(9): Lọn nhang trần: bó (lọn) nhưng không có bao (trần). Nhà nghèo dùng loại nhang này, vì rẻ tiền.
(10): Xuổng: thuổng (dụng cụ để đào đất).
(11): Mốp tươi: loại cây như cây vông, gỗ xốp, dẻo, có thể làm nút chai hay cốt mũ. Cá sấu ngậm phải khúc gỗ mốp, hai hàm răng dính chặt không há miệng ra được nữa.
(12): Cúng "đất đai vương trạch": cúng thần cai quản đất đai (vương trạch, thực ra là viên trạch, nghĩa là vườn đất, dân gian nói trệch ra là vương trạch)


VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG VĂN CHƯƠNG SƠN NAM


VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRONG VĂN CHƯƠNG SƠN NAM

Minh Nguyệt

rung Uminh

Tôi nhớ cách đây vài năm trước, ba tôi có mượn ở thư viện Westminster một tác phẩm của nhà văn Sơn Nam, với tựa đề là Hương Rừng Cà Mau.

Thú thật, lúc đầu, tôi không chú tâm lắm, nhưng hôm đó, muốn đọc sách mà lại bận đi thư viện mượn, tôi mượn tạm tác phẩm này của ba tôi đọc. Sau khi đọc xong câu chuyện ngắn đầu tiên thì tôi đã không thể nào buông tác phẩm Hương Rừng xuống được nữa. Tôi có cảm giác như mình hoàn toàn bị cuốn hút trong quê hương mà tôi không chưa bao giờ có cái gì hết được biết, một mảnh đất đầy những chuyện rừng, chuyện đời, chuyện săn bắn, và tình người trong thế giới hoang sơ, kỳ bí, lạ lùng, thâm u của miền Cà Mau, của những con người di dân Nam Bộ trong công cộng khẩn hoang miền Nam, và những khúc chiết tình tiết giữa người và người, giữa người và thiên nhiên, giữa người và rừng trầm, sông sâu, giữa người và thú rừng hoang dã, giữa người và những đau khổ sâu sắc lẫn hạnh phúc nhẹ nhàng và tâm hồn bình dị của họ qua những câu chuyện kể của ông, đã gây cho người đọc phải bồi hồi xúc động, ngậm ngùi đến tê buốt trái tim dù đã đặt tác phẩm xuống rồi, nhưng vẫn còn phải ngơ ngẫn vì những câu chuyện ngắn thâm sâu nhưng ẩn dấu một tình cảm thắm thiết sâu đậm của những con người nông dân miền nam hiền lành và ít chữ của ông. Trước khi chúng ta bước vào thế giới đặc biệt của một thời đã qua của những con người di dân Nam Bộ, cần cù, nhẵn nại và đầy tính chất mạo hiểm, chúng ta hãy dành chút thời giờ tìm hiểu nhà văn Sơn Nam qua tiểu sử của ông.


Tiểu Sử

Được biết, nhà văn Sơn Nam, tên thật của ông Phạm Minh Tày. Ông ra đời tại Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Theo vào ngày 11-12-1926. Theo tư liệu của Wikipedia, hiện nay ông vẫn đang sinh sống tại Sài Gòn. Ông học tại Cần Thơ, sau đó, kháng chiến chống Pháp. Sau Hiệp Định Genève 1954. Ông được nhiều người yêu, gọi là “Ông già Nam Bộ”, “Pho tự điển sống về miền nam”, hay là “Nhà Nam Bộ Học.” Theo nhà văn Trần Bách Thụ, trong bản văn biên khảo, ông đã nói về nhà văn Sơn Nam như sau. “Không chỉ là một nhà văn, nhà khảo cứu với hàng chục tác phẩm được yêu thích, nhà văn Sơn Nam còn là một pho sử liệu sống về văn hóa, lịch sử, con người vùng đất phương Nam thời khẩn hoang. Mới đây, một bức tượng chân dung ông đã được đặt tại Làng du lịch Bình Quới như một sự ghi nhận những đóng góp của ông đối với văn hóa Nam Bộ…” Qua đoạn văn mà tôi đã trích của nhà văn Trần Bách Thụ, chúng ta có thể thấy rằng nhà văn Sơn Nam đã có một sự đóng góp không nhỏ đối với nền văn hoá Nam Bộ. Thiếu những mẩu chuyện này của ông, những con người lưu lạc tha hương như tôi, và hàng triệu người khác trên đất người, kể cả những con người trong thế kỷ trào lưu, hiện đại hóa với những vô minh vật chất của thế giới ngày nay, tại quê hương Việt Nam khi đọc những tác phẩm của ông, có thể thấy được một quê hương xưa kia, qua những tác phẩm có thể được xem là để đời, cho chúng ta thấy được một miền đất Nam Bộ của ngày xưa, trong công cuộc khẩn hoang đặc biệt, hiền hòa và bình dân như con người Nam Bộ, và những mẩu chuyện trong cuộc đời của họ, để thấy được một giai đoạn lịch sử của những con người Nam Bộ cần cù, nhẵn nại, đầy tình người, đầy sự mạo hiểm, đầy lòng nhân hậu đối với mảnh đất mà họ đang khai hoang, và những nỗi nhọc nhằn khốn khổ của họ, mang mác như hương rừng U Minh, và sâu sắc như tâm hồn bình dị của họ.


Tình Người Trong Văn Chương Nhà văn Sơn Nam

Nếu ai đã từng đọc qua những tác phẩm của bậc lão thành nhà văn Sơn Nam, chúng ta phải công nhận rằng, trong những câu chuyện kể về núi rừng U Minh, đầy những câu chuyện bàng bạc và thắm đượm tình người. Những áng văn của ông, kể qua về những mẫu đối thoại vụn vặt, tuy trà dư tửu lậu về chuyện đời của những người dân Nam Bộ nói lên tâm hồn mộc mạc đơn sơ, nhưng đầy gắn bó, không rõ rệt trên bề mặt nhưng vẫn ẩn tàng một tình người sâu sắc trong trái tim của con người Nam Bộ…

Ông Cả gả con gái Út về rừng, vùng đất mà ông nghe toàn chuyện đỉa kinh hoàng…

“Bà Cả thở dài :

- Tôi ngại quá. Mình có mụn con gái. Gả đi xa xôi không nói làm gì. Ngặt xứ đó kỳ quái, hiểm nguy. Nội cái tên Cạnh Đền nghe cũng dị hợm...

- Tưởng bà ngại điều gì chớ chuyện đó thì dễ. Dân ở dưới hiền lành lắm. Bộ thiên hạ ăn thịt con gái mình sao mà nguy hiểm?

- Tức chết đi ! Nói vậy mà không hiểu ! Ông không nghe người ta hát sao ?

Xứ đâu hơn xứ Cạnh Đền,
Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh.

Ông Cả nghe qua, cười ngất hồi lâu. Bà Cả càng sôi gan :

- Ông cười tôi nói bậy à ? Ở xứ đó chạng vạng là ai nấy phải vô mùng để... ăn cơm.

- Nhưng sự thật là họ ăn cơm sớm, hồi cỡ bốn giờ chiều để khỏi cần vô mùng. Bà nghe ai nói lại vậy ?

- Ông có tài binh vực cho xứ Cạnh Đền. Dẹp chuyện muỗi một bên, tôi bàn qua chuyện đỉa để ông có giỏi thì cãi. Nè, tôi nghe nói... phen đó cô dâu nọ ở chợ Cần Thơ gả xuống. Cổ xuống bến làm cá, xong xuôi đem trút vô chảo, nấu canh chua. Dè đâu chừng con đỉa đeo trong khứa cá. Cô dâu nọ bị đuổi vì tội... nấu canh chua bằng đỉa. Oan ức quá. Xứ đỉa nhiều, đâu ai dè trước !”
(Cô Út Về Rừng).

Một nổi buồn mang mác của người già Nam Bộ, gả con gái ở chốn rừng thiêng nước độc, họa hoằn lắm mới có cơ hội gặp con gặp rể, kể cả những đứa cháu ngoại dễ thương xinh xinh, nhưng biết làm sao, ông phải ngậm ngùi ở tình cảnh gả người con gái về nơi chốn xa xôi… Đọc đoạn này trong câu chuyện ngắn của nhà văn Sơn Nam, chúng ta phải rung động xúc cảm…

"Ông Cả im lặng, nghĩ đến cái ngày gần đất xa trời của mình. Nó không còn bao xa nữa. Ngày đó, ai phò giá triệu, ai rinh quan tài ? Nhìn bụi tre già dưới bến mà ông tủi thân : Măng non mọc kề bên gốc. Phận ông có khác ; con gái, con rể và đám cháu ngoại ở chốn xa xôi kia làm sao được gần gũi để ông thấy mặt lần đầu - và cũng là lần chót - khi ông tàn hơi. Nước mắt muốn tươm ra, ông cố dằn lại. Ông hiểu đời ông chưa tới mức đen tối, còn chút ánh sáng lập lòe trong tương lai vô biên vô tận …" (Cô Út Về Rừng).

Hay nỗi đau của người cha bất lực trước căn bệnh nan y của người con gái xinh đẹp của ông…

"Ông hương giáo đã hiểu nguồn cơn. Mớ tóc rối nằm cuộng đống trên bàn khiến ông xúc cảm, không che giấu được cơn buồn. Chiếc gương mờ soi đôi má ửng của Hoàng Mai, màu ửng đỏ lạ thường, không biến đổi dầu khi nàng sợ hãi. - Từ hồi tấm bé, làn da của Hoàng Mai mịn quá, bóng quá. Trăm sự đều do đó mà ra... Ông thở dài, cũng như ông đã thở dài hồi mấy năm trước, tuy gió bấc về không lạnh lắm nhưng Hoàng Mai đòi đốt lửa để sưởi rồi dẫm chân lên than hồng mà cưòi. Ðêm đến, ông nghe tiếng rên khe khẽ. Ngỡ là con gái nhuốm bịnh, ông đến gọi cửa đôi ba lần. Hoàng Mai nằm đó, tỉnh mà như say, hơi thở hổn hển, đôi mắt úp vào chiếc gối mềm như trốn tránh mấy sợi tơ trăng buông xuống từng hồi, khi gió rạt rào khẽ rung làm hở ra mấy mí lá che trên đầu vách. Bịnh của nàng, ông đoán được, ngặt không muốn nói rõ tên ra : bịnh nan y - bịnh cùi. Ông chỉ khuyên con gái năng đi guốc vì ở rừng này... "phong" nhiều lắm." (Hương Rừng).

Kể cả nỗi ngượng ngùng của người thanh niên lỡ trót yêu người con gái ở rừng hoang U Minh, nhưng đành phải ngẫn mặt quay lưng trước căn bệnh hiểm nghèo của nàng…

"Chú hiểu ý. "À té ra bấy lâu nay ông hương giáo thương mình". Chú đánh bạo tìm bàn tay nàng. Nàng lắc đầu : - Em hơi mệt, như vậy... Rồi nàng nâng tay áo lên, thứ tay áo lỏng thỏng quá rộng quá dài : - Anh nắm cái chéo tay áo này, em cũng đủ vui rồi. Cảm động làm sao ! Ngạc nhiên làm sao ! Một mùi hôi hám từ trong tay áo bay ra. Khi níu cái chéo tay áo của người đẹp. Tư Lập thấy rõ ràng bên trong : ngón tay của nàng rụng mất hồi nào, chỉ có năm cuộn vải nhỏ vấn khéo léo thay thế. Hôm sau, chú viện cớ ra đi lúc mùa bông tràm nở trắng rực. Chú không thèm làm nghề ăn ong nữa. Hàng trăm tấm kèo bằng cây mun, chú giao lại cho ông hương giáo. Chú về ở Long Xuyên. Nhưng hương rừng có ma lực quyến rũ. Lúc mới đến thì vui. Ở lâu lại sanh buồn. Xa cách lâu ngày thì đâm ra nhớ không nguôi, không trở lại thì không được…" (Hương Rừng).

Nhà văn Sơn Nam đã cho chúng ta thấy được những hình ảnh trong cuộc đời của người dân Nam Bộ mà người đọc cũng phải cảm giác đau xót cho người ở cảnh ngộ không lối thoát, nhưng họ vẫn nhẫn nhục chịu đựng. Ngọn bút của ông thật tài ba, làm thấm thấu cả tâm hồn, làm người đọc muốn bật khóc trước nỗi đau thương của một thời khai hoang ở vùng đất âm u của người dân Nam Bộ.


Thú Rừng Hoang Dã Trong Văn Chương Của Nhà văn Sơn Nam.


Người dân Nam Bộ phải đối đầu với những con thú rừng chực chờ, có thể lấy mạng của họ bất cứ lúc nào, nhưng họ vẫn háo hức ngắm nhìn những con sấu trong ao hồ đầy lau sậy.

"Cái ao lớn ước một công đất, bên bờ, dưới nước, toàn là lau sậy, dây cóc kèn. Sấu nổi lên, chen vào những bức tranh mầu xanh ấy những vệt đen chi chít : con thì nằm dài như chiếc xuồng lường, con thì dùng hai chân trước mà vạch sậy, ngóng mỏ xéo lên trời như họng súng thần công đại bác. Biết có loài người đến quan sát, chúng vẫn điềm nhiên sưởi nắng, bắt cá. Duy có con sấu già trợn mắt hướng về lũ người rồi bò thối lui vào giữa lòng ao, để thủ thế." (Bắt Sấu Rừng U Minh Hạ).

Nhưng họ vẫn không sợ hiểm nguy. Những con người Nam Bộ của núi rừng U Minh Hạ, không những phải đối đầu với cảnh rừng thiêng nước độc, nỗi lo âu sinh kế, họ còn phải đối đầu với những con thú rừng nguy hiểm, có thể ăn thịt họ bất kỳ lúc nào. Biết vậy, mà họ vẫn không hề có một chút nao núng, chùn bước, hay động lòng… Sự dũng cảm của họ được ghi chép qua ngòi bút tài tình của nhà văn Sơn Nam.

"Sấu bò lên rừng theo con đường đào sẵn hồi nãy. Tức thời, ông Năm Hên chạy lại. Sấu há miệng hung hăng đòi táp ổng. ổng đút vô miệng sấu một khúc mốp. Sấu táp lại, dính chặt hai hàm răng : như mình ngậm một cục mạch nha quá lớn, muốn há miệng cho rộng để nhả ra cũng không được. Sau khi bị khúc mốp khóa miệng, còn cái đuôi đập qua đập lại." (Bắt Sấu Rừng U Minh Hạ).

Họ sống bằng đủ nghề, ngoài việc bắt cá, nuôi ong, bắt sấu, ruộng nông, họ lưu lạc nay đây qua mai đó qua nghề len trâu, kiếm cỏ cho đàn trâu ăn giữa rừng hoang, lẫn lộn với voi và cọp. Chỉ cần họ sơ xuất, hơn nửa gia tài của họ có thể bị mất hết.

"Từ Ba Thê cả bầy trâu len qua miệt Bảy Núi. Oai vệ lắm kìa ! Voi đi một lần đôi ba chục con là cùng, cọp đi hai ba con là nhiều ; cảnh đó ở miệt rừng ai cũng thấy. Ðằng này, trâu lội nước năm ba trăm con, đen đầu, đặc nước..." (Mùa Len Trâu).

Nhưng có người vẫn vui sống, dù chiến tranh, dù mất mát, đau khổ chụp xuống người họ… Họ vẫn vui thú với cái nghề giăng câu của họ, vừa để độ sinh độ nhật, vừa tận hưởng cái thú tiêu dao giữa đất trời và sông nước, như trường hợp của ông lão giăng câu ở Rừng U Minh Hạ.

"Đứa con trai độc nhứt của ông đã bị "A lơ măn" (người Ðức) giết lúc phải cầm súng giữ vùng An Sác Lo Ren cho Pháp. Ta có thể nói : ông mù vì khói lửa của trận Âu châu đại chiến kỳ nhứt. Còn lại một mình, ông cất căn chòi ở Rộc Lá, ấp Tây Sơn. Có người chất vấn "Ðã mù sao còn giăng câu được ?" Ông đáp: "Mù lòa là mắt không thấy, chớ nào phải vô tri vô giác ? Con người có thể thấy bằng lỗ tai, bằng hai bàn tay, bằng mũi... Mình đây đui mù, như thiếu cây cột cái, nhưng nếu khéo léo một chút cũng cất được mái nhà nhỏ che gió che mưa... hà huống là việc giăng câu ! Giăng câu lúc ban đêm, cặp mắt không cần thiết. Người không mù, họ đốt lửa trước xuồng un muỗi cho vui mắt, ấm lòng, chớ nào phải soi đường đi. Ðó là chưa nói tới loài cá! Nó ở dưới nước, núp trong cỏ, người có mắt cũng như tôi, làm sao thấy cá được. Phải dùng óc xét đoán để hiểu tánh ý của nó, nhờ đó mình mới giăng được nhiều cá, ngày càng vui thú với nghề nghiệp của mình." (Người Mù Giăng Câu).

Chúng ta có thể thấy được một giai đoạn lịch sử của những người dân Nam Bộ trong công cuộc khai khẩn núi rừng Cà Mau. Đọc văn của nhà văn Sơn Nam, làm ta càng gợi thêm nỗi nhớ nước nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ cả đến cảnh rừng một thời mà cha ông của chúng ta đã dầy công xây dựng, dù phải hy sinh cả thân mạng họ, một miền Nam Bộ chỉ còn lại phảng phất lại trong tâm tưởng của kẻ lưu lạc xứ người, và một xứ Nam Bộ, những người đã trưởng thành trên mảnh đất Hoa Kỳ cũng phải kinh ngạc ở một giai đoạn lịch sử của quê hương Việt Nam vào một thuở thật xa xưa mà họ chưa từng được biết đến.

*


Tôi xin được kết thúc bằng những vần thơ của nhà văn Sơn Nam.

"Tới Cà Mau - Rạch Giá
Cất chòi, đốt lữa giữa rừng thiêng...
Muỗi, vắt nhiều như cỏ,
Chướng khí mù như sương.
Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương?
Chiều chiều nghe vượn hú,
Hoa lá rụng, buồn buồn …
Phong sương mấy độ qua đường phố,
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê..."



Xin cảm tạ nhà văn Sơn Nam, đã cho tôi được biết được giai đoạn lịch sử đó của núi rừng Nam Bộ qua ngòi bút đầy tình người của ông… Xin hết lòng tạ ơn ông…

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

NHẬT KÝ NGỐC XÍT

Hài hước chưa từng thấy

Giàu tưởng tượng đến kỳ quặc


Cuộc sống của Jamie không thể rắc rối hơn được nữa: cô phải thành họ hàng với Angeline sau đám cưới của dì Carol và chú Devon, rồi con Stinker nhà Jamie còn lấy Stickybuns nhà Angeline và sinh ra một đống cún con, biến hai đứa thành Thông Gia Chó. Hoàn cảnh xô đẩy Jamie ngày một thân thiết hơn với “kẻ-thù-hoàn-hảo” , nhưng thế vẫn chưa trớ trêu bằng việc tự dưng Hudson Rivers, chàng trai đẹp thứ tám trong khối, lại mời Angeline và Jamie đi ăn, mà KHÔNG mời Isabella. Rồi bài tập viết nhật ký của thầy Evans với rất nhiều tự thú kinh ngạc, cuộc tuyển chọn thành viên cho ban nhạc của chính Jamie, triển lãm mỹ thuật, cuộc thi tài năng, dường như mỗi ngày trong cuốn Nhật ký Ngốc xít của Jamie đều là một chuyến phiêu lưu đầy kịch tính. Dĩ nhiên, mọi việc xảy ra đều có nguyên do (bất ngờ), và đều sẽ kết thúc (cũng bất ngờ). Có điều lần này các câu chuyện đều kết thúc bất ngờ một cách xúc động, theo đúng kiểu sẽ khiến tất cả những kẻ lén lút đọc trộm nhật ký của cô bé cười phá lên rồi cười mỉm mà hài lòng.


Đôi nét về tác giả Jim Benton


 


Jim Benton sinh năm 1960, là nhà văn và nhà minh họa người Mỹ. Sinh ra và lớn lên ở Birmingham, Michigan, ông tốt nghiệp trường trung học Seaholm năm 1978 rồi theo học Mỹ thuật tại Đại học Tây Michigan. Ông từng sáng lập một series truyền hình cho thiếu nhi, thiết kế quần áo, bưu thiếp và là tác giả của nhiều bộ sách nổi tiếng trong đó có Nhật Ký Ngốc xít. Năm 1989, ông được tạp chí People mệnh danh là “nhà hoạt họa nổi bật nhất Hoa Kỳ”. Hiện Jim Benton đang sống ở Michigan cùng vợ và hai con.

***

Lời khen tặng dành cho Nhật ký ngốc xít

“…Một “hit’ mới trong làng sách dành cho tween, Nhật Ký Ngốc Xít chỉ vừa ra đời đã tìm được một lượng fan đông đảo…Sự hài hước vừa dí dỏm vừa châm biếm của series này chắc chắn sẽ gây ấn tượng mạnh và biến chúng thành những cuốn sách phải-có.”

- Big Blue Dot Trend Update

 

“Thật mới mẻ, thật tuyệt vời: Nhật ký Ngốc xít. Bạn sẽ cười phá lên trước những câu chuyện mà cô bé này sẽ kể.

Knight/Ridder Tribune










Một thế giới tàn nhẫn trong tương lai…

Đó là khi Bắc Mỹ đang dần khôi phục lại sau nhiều năm chìm trong nội chiến. Sau khi nhà nước Panem trấn áp được cuộc nổi dậy của mười ba quận, phá hủy quận 13, những người đứng đầu bộ máy cai trị đặt ra một hình phạt tàn nhẫn cho mười hai quận còn lại. Mỗi năm từ mỗi quận một nam và một nữ bị chọn làm vật tế, bị gom lại trên một chiến trường, phải tiêu diệt lẫn nhau cho đến khi chỉ còn một người duy nhất sống sót.

Trong một lần xả thân cứu em gái, Katniss sa chân vào đấu trường sinh tử. Cô và Peeta trở thành một cặp đồng hành, cùng phiêu lưu vào thế giới đầy chết chóc, nơi mà đường vào có 24 lối dành cho 24 con người nhưng đường ra thì chỉ có 1. Katniss sẽ phải làm gì, khi các đối thủ của cô là một chàng trai có tình cảm với cô và một người cô coi như em gái?

Bí ẩn, gai góc nhưng mãnh liệt đầy chất thơ, làm người đọc hồi hộp đến từng thớ chữ, không phải ngẫu nhiên khi Đấu trường sinh tử lọt vào danh sách sách bán chạy nhất của tờ New York Times trong suốt 60 tuần, và mang lại vinh danh từ tạp chí Times cho tác giả Suzanne Collins như một trong những người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2010.



DiemSach.Net

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

Trường ca Lòng hải lý

Tập sách bao gồm bốn trường ca: “Lòng hải lý”, “Đống chữ”, “Buồn muộn cùng thế kỷ”, “Bài thơ không thuộc về ai”.

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Bản tin sách thiếu nhi Nhã Nam

DiemSach.Net
 Các độc giả nhí thân mến!

  
 Thế là các em lại kết thúc một năm học nữa và bước vào kỳ nghỉ hè.  Mong muốn giúp các em có kỳ nghỉ vui vẻ, thoải mái và bổ ích hơn,  Nhã Nam đã dày công chuẩn bị rất nhiều tác phẩm dành cho thiếu  nhi. Bộ truyện cổ tích Việt Nam với nét vẽ ngộ nghĩnh và lời kể gần  gũi, mới mẻ sẽ đưa những câu chuyện cổ đến với các em theo  phong cách hoàn toàn mới. Các em cũng sẽ gặp lại Manolito Mắt  Kính lắm mồm, Hoàng Tử Bé đáng yêu, William siêu quậy,... và làm    quen với BEN Siêu Anh Hùng bước ra từ bộ phim hoạt hình BEN 10    của Cartoon Network.

Nhã Nam thân chúc các độc giả nhỉ một kỳ nghỉ hè với nhiều niềm vui và nhiều khám phá thú vị!

Thân ái!

BỘ TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM

Được đầu tư công phu, kỹ lưỡng, bộ truyện tranh này sẽ đánh dấu hướng phát triển mới của Nhã Nam với những dự án riêng, độc đáo, đẹp về hình thức và lạ về nội dung. Với những ấn phẩm đẹp đẽ và giàu ý nghĩa này, độc giả nhỏ tuổi được tiếp cận với tinh hoa văn học dân gian một cách trọn vẹn. Và với tâm huyết của một đội ngũ làm sách giàu kinh nghiệm, Nhã Nam kỳ vọng đây sẽ là một bộ sách có sức sống lâu dài với nhiều thế hệ bạn đọc.


"Có lẽ William còn được những người lớn hay hoài niệm yêu thích hơn cả trẻ con nữa - vì dù ngôi làng trong truyện là tưởng tượng, nó vẫn giống hệt những ngôi làng nước Anh cách đây không lâu, với những cánh rừng, đồng ruộng, suối nhỏ, nơi ta cứ thỏa thích chơi cả ngày không chán."
- amazon.com


[..] Tôi không phải loại đần độn hết thuốc chữa. Cũng không phải loại ngu ngơ như vừa từ trên trời rơi xuống. Và lại càng không phải loại nước mắt nước mũi ròng ròng khi gặp phải chuyện xấu. Nhưng phải thừa nhận rằng, mỗi khi nhìn quanh cái đầm lầy tối tăm sắp trở thành lớp học mới của tôi, tôi thấy có chút tồi tệ. Đúng thế đấy. Tôi đích thị là một con Gấu Tin Xấu. [...]


[...] Tôi bèn thuật lại đầu đuôi. Từ trò dọa đuổi học, vụ nghe lén phòng giám hiệu, thứ ngôn ngữ kỳ bí của cô Pearce và thầy Kidd, cho đến lúc Charlie hét "Spudvetch!" vào mặt thầy, và cuộc đột kích căn gác của cô giáo... [...]

 SIÊU NHÂN MANOLITO

[...] Tôi tên là Manolito, biệt hiệu Mắt Kính. Nếu bạn quên thì tôi là cái đứa nói luôn mồm ở khu Carabanchel ấy. Giờ đã lại có khối chuyện xảy ra nên tôi chả biết chọn chuyện nào để  kể cho bạn nữa đây: Vụ tôi cùng hai thằng bạn chí cốt Yihad và Tai To lập ra băng Chân Bẩn, hay vụ tôi cắt tóc cho Ngốc khiến nó trông chẳng khác gì thầy tu Tây Tạng, hay vụ việc với Susana Quần Xi líp Bẩn - vụ đó thì bí mật, rồi cả vụ tôi xơi ngỗng môn toán nhưng vẫn chưa dám nói với mẹ, rồi thì... [...] 



Ben 10 vốn là một series phim hoạt hình của Cartoon Network, được các em nhỏ trên toàn thế giới vô cùng yêu thích. Nhân vật chính của Ben 10 là cậu bé Benjamin "Ben" Tennyson, có khả năng biến thân thành được 10 anh hùng ngoài hành tinh, mỗi vị có nhận dạng và quyền năng riêng. Nhờ đó, Ben cùng chị họ Gwen và ông nội Max đã chiến đấu giúp nhân loại thoát khỏi các móng vuốt của những kẻ muốn chiếm địa cầu.


GẶP LẠI HOÀNG TỬ BÉ

"Giọng điệu, phong cách, các nhân vật, tinh thần, mọi thứ đều thực sự tương ứng với truyện gốc. Một "tác phẩm nhái" ư? Không, đúng hơn là mong muốn mãnh liệt trong việc tìm lại, làm sống lại một nhân vật văn học tuyệt vời và giúp tất cả những ai còn chưa biết đến nhân vật này khám phá ra chú."
- sdm.qc.ca


Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Hảo nữ Trung Hoa

DiemSach.Net
Hảo nữ Trung Hoa

Cách đây ít lâu, tôi có được đọc "Thiên táng" của nhà báo - nhà văn Hân Nhiên do Nhã Nam liên kết xuất bản. Người phụ nữ tên Thư Văn - nhân vật chính đó quả khiến người ta phải nể phục. Ẩn trong hình hài một phụ nữ yếu đuối là một ý chí quật cường, một quyết tâm đi tìm người chồng mất tích không gì lay chuyển nổi. Hành trình tìm người thân yêu của Thư Văn là cả một câu chuyện cảm động về tình yêu, sự kiên định và niềm tin.

Từ những dư âm này, tôi tiếp tục tìm đọc "Hảo nữ Trung Hoa". (Lẽ ra theo thứ tự ra đời, cuốn này còn trước "Thiên táng" một năm. Chẳng hiểu sao Nhã Nam lại xuất bản cuốn này sau). Tôi nghĩ đơn giản rằng đây là cuốn sách về những tấm gương phụ nữ Trung Hoa. ("Hảo nữ", theo cách hiểu của tôi là chỉ những người phụ nữ tốt, những phụ nữ tuyệt vời). Nhưng càng đọc, tôi càng nhận ra mình đã lầm.

"Hảo nữ Trung Hoa" được viết không phải để ca ngợi những nữ anh hùng hay những nữ nhân nổi tiếng. Hân Nhiên dành rất nhiều cảm xúc của mình cho những người phụ nữ gần như vô danh.

Người đầu tiên tôi muốn nói tới là một Nguời Đàn bà Nhặt rác, không tên, không tuổi, không thông tin cá nhân hàng ngày lầm lũi làm việc gần Đài phát thanh. Nguời Đàn bà Nhặt rác thu hút sự chú ý của Hân Nhiên (tác giả) bởi cái lều bà ta sống được sắp xếp khá cẩn thận và có mấy mảnh chuông gió ở trước cửa. Điều đó chứng tỏ chủ nhân của cái lều rách  không giống với những người cùng cảnh ngộ xung quanh.

Qua một cơ duyên, Hân Nhiên có dịp tìm hiểu và sau này, khi Nguời Đàn bà Nhặt rác đã bỏ đi, cô mới biết về hoàn cảnh của bà. Chính bà là người thổ lộ bí mật qua những dòng thư: “Tôi không muốn phá hoại cuộc sống của con trai tôi, hay khiến nó chịu khổ sở khi phải cố giữ cân bằng giữa vợ và mẹ. Tuy nhiên tôi nhận ra rằng mình không thể nào lẩn tránh được bản tính đàn bà của mình và những thói quen chung thân của một bà mẹ. Tôi sống như thế này để được gần con trai tôi, để được nhìn thấy nó dù thoáng qua khi nó đi làm mỗi sáng sớm, xin đừng nói cho nó biết điều đó.”  Bà ra đi vì có người đã nhìn thấu tâm can mình, đã nhận ra mối quan hệ giữa bà và vị chính khách lịch thiệp, giàu sang. Cuộc đời người phụ nữ vô danh ấy đã cháy hết mình vì con sau khi chồng chết và lại tiếp tục lặng lẽ tỏa sáng bên lề cuộc đời của anh ta. Trong đời bà, đứa con khi còn nhỏ từng là cứu cánh và khi trưởng thành, nó vẫn là giấc mộng đẹp của người mẹ già. Người phụ nữ đáng thương bỏ đi còn là để giữ lại những kí ức đẹp đẽ về người chồng quá cố - “cha nó tiếp tục sống trong nó”. Có lẽ từ ngàn xưa cho đến nay đức hi sinh, lòng nhân hậu của người mẹ vẫn là một trong những đức tính vĩ đại của người phụ nữ. Nhà thơ Chế Lan Viên của chúng ta chẳng đã viết: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con” đó sao?

Và như để minh chứng tiếp cho chân lí ấy ở một góc độ khác, tác giả đã đưa bạn đọc đến với câu chuyện về “Những người mẹ hứng chịu trận động đất”. Hân Nhiên, với tư cách phóng viên, nhà báo đã tìm gặp và trò chuyện cùng những bà mẹ tại trại trẻ mồ côi này. Chính các câu chuyện về điều họ đã trải qua trong trận động đất khủng khiếp năm 1976 là thứ khiến không chỉ Hân Nhiên mà cả độc giả đều cảm thấy xúc động và cảm thông. Có người mẹ chứng kiến tận mắt cảnh người chồng thân yêu bẹp rúm bên cạnh, phòng ngủ của ba đứa con thì sụt xuống. Đứa con lớn kinh hoàng há hốc miệng, đứa con thứ khóc gọi và giơ tay cầu cứu về phía mẹ, đứa con út vẫn ngủ ngon lành. Cảnh tượng ấy sau 16 năm vẫn như hiển hiện trước mắt bà. Có người mẹ may mắn hơn, tìm thấy con trong đống đổ nát nhưng lại phải chịu sự đau đớn, dằn vặt suốt 14 ngày và 2 giờ khi nhìn con chết dần mà không thể cứu được nó khỏi nơi bị mắc kẹt. Nụ cười và tiếng hát của đứa con gái 14 tuổi vẫn không thể phai mờ trong tâm trí người mẹ. Lời cảm thán: “…Thân thể của nó lúc ấy… máu thịt của chính tôi… Tôi đau, tôi đau lắm”. xoáy vào tâm can người đọc nỗi niềm của người mẹ. Rồi cả trại trưởng Đinh - người quản lí chung của trại - cũng có một niềm đau phải dấu kín trong lòng. Đó là nguyên nhân cái chết của đứa con gái sau vụ động đất… Tất cả các bà mẹ ở trại trẻ đều có tâm sự riêng, nỗi đau riêng nhưng họ gặp nhau ở sự mất mát người thân và tấm lòng thương yêu lũ trẻ của một người mẹ. Điểm chung đã kéo họ lại với nhau và trở thành những bà tiên chở che, nâng đỡ bọn trẻ bất hạnh sau thiên tai.

Tại sao trong mỗi phòng đều có bức họa con mắt trào lệ, trên con ngươi có hai chữ “tương lai”? Tôi hiểu rằng những bà mẹ ấy không hề quên quá khứ. Quá khứ vẫn là nỗi đau của riêng họ nhưng họ đã và đang cố gắng gạt nó sang một bên. Họ dành tình thương của NGƯỜI MẸ cho những đứa trẻ mất cha mất mẹ trong thảm họa. Tình yêu con năm xưa được san sẻ cho đàn con hiện tại không cùng máu mủ. Nói họ dũng cảm chưa đủ, tôi nói Họ là những người mẹ vĩ đại.

Nhưng nếu bạn cho rằng Hân Nhiên chỉ kể về những người mẹ thì bạn đã lầm. Xuất phát từ mục tiêu muốn biết nhiều hơn về người phụ nữ Trung Quốc, đặc biệt là giá trị cuộc sống của họ, Hân Nhiên nỗ lực tạo dựng một chương trình lắng nghe phụ nữ và chia sẻ với họ. Cô biết thêm về nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống của phụ nữ Trung Quốc qua tâm sự của họ. Và phần nhiều những dòng tâm sự ấy đã cung cấp một cái nhìn mới về phụ nữ Trung Quốc (qua chính con mắt của một phụ nữ Trung Quốc). Càng hiểu hơn về phụ nữ Trung Quốc, Hân Nhiên càng cảm thấy đau đớn hơn vì những gì đã nghe, đã thấy. Đó có thể là một trong những lí do khiến cô ra sức bảo vệ bản thảo cuốn sách trước một tên cướp cao đến 1m8 ở nhà ga nước Anh.


Tôi xin dừng lời ở đây bởi có những điều không thể nói hết thành lời và tôi lại không phải một nhà văn, nhà báo tài ba… Phần còn lại mời các bạn đọc và cảm nhận.