Cách đây ít lâu, tôi có được đọc "Thiên táng" của nhà báo - nhà văn Hân Nhiên do Nhã Nam liên kết xuất bản. Người phụ nữ tên Thư Văn - nhân vật chính đó quả khiến người ta phải nể phục. Ẩn trong hình hài một phụ nữ yếu đuối là một ý chí quật cường, một quyết tâm đi tìm người chồng mất tích không gì lay chuyển nổi. Hành trình tìm người thân yêu của Thư Văn là cả một câu chuyện cảm động về tình yêu, sự kiên định và niềm tin.
Từ những dư âm này, tôi tiếp tục tìm đọc "Hảo nữ Trung Hoa". (Lẽ ra theo thứ tự ra đời, cuốn này còn trước "Thiên táng" một năm. Chẳng hiểu sao Nhã Nam lại xuất bản cuốn này sau). Tôi nghĩ đơn giản rằng đây là cuốn sách về những tấm gương phụ nữ Trung Hoa. ("Hảo nữ", theo cách hiểu của tôi là chỉ những người phụ nữ tốt, những phụ nữ tuyệt vời). Nhưng càng đọc, tôi càng nhận ra mình đã lầm.
"Hảo nữ Trung Hoa" được viết không phải để ca ngợi những nữ anh hùng hay những nữ nhân nổi tiếng. Hân Nhiên dành rất nhiều cảm xúc của mình cho những người phụ nữ gần như vô danh.
Người đầu tiên tôi muốn nói tới là một Nguời Đàn bà Nhặt rác, không tên, không tuổi, không thông tin cá nhân hàng ngày lầm lũi làm việc gần Đài phát thanh. Nguời Đàn bà Nhặt rác thu hút sự chú ý của Hân Nhiên (tác giả) bởi cái lều bà ta sống được sắp xếp khá cẩn thận và có mấy mảnh chuông gió ở trước cửa. Điều đó chứng tỏ chủ nhân của cái lều rách không giống với những người cùng cảnh ngộ xung quanh.
Qua một cơ duyên, Hân Nhiên có dịp tìm hiểu và sau này, khi Nguời Đàn bà Nhặt rác đã bỏ đi, cô mới biết về hoàn cảnh của bà. Chính bà là người thổ lộ bí mật qua những dòng thư: “Tôi không muốn phá hoại cuộc sống của con trai tôi, hay khiến nó chịu khổ sở khi phải cố giữ cân bằng giữa vợ và mẹ. Tuy nhiên tôi nhận ra rằng mình không thể nào lẩn tránh được bản tính đàn bà của mình và những thói quen chung thân của một bà mẹ. Tôi sống như thế này để được gần con trai tôi, để được nhìn thấy nó dù thoáng qua khi nó đi làm mỗi sáng sớm, xin đừng nói cho nó biết điều đó.” Bà ra đi vì có người đã nhìn thấu tâm can mình, đã nhận ra mối quan hệ giữa bà và vị chính khách lịch thiệp, giàu sang. Cuộc đời người phụ nữ vô danh ấy đã cháy hết mình vì con sau khi chồng chết và lại tiếp tục lặng lẽ tỏa sáng bên lề cuộc đời của anh ta. Trong đời bà, đứa con khi còn nhỏ từng là cứu cánh và khi trưởng thành, nó vẫn là giấc mộng đẹp của người mẹ già. Người phụ nữ đáng thương bỏ đi còn là để giữ lại những kí ức đẹp đẽ về người chồng quá cố - “cha nó tiếp tục sống trong nó”. Có lẽ từ ngàn xưa cho đến nay đức hi sinh, lòng nhân hậu của người mẹ vẫn là một trong những đức tính vĩ đại của người phụ nữ. Nhà thơ Chế Lan Viên của chúng ta chẳng đã viết: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con” đó sao?
Và như để minh chứng tiếp cho chân lí ấy ở một góc độ khác, tác giả đã đưa bạn đọc đến với câu chuyện về “Những người mẹ hứng chịu trận động đất”. Hân Nhiên, với tư cách phóng viên, nhà báo đã tìm gặp và trò chuyện cùng những bà mẹ tại trại trẻ mồ côi này. Chính các câu chuyện về điều họ đã trải qua trong trận động đất khủng khiếp năm 1976 là thứ khiến không chỉ Hân Nhiên mà cả độc giả đều cảm thấy xúc động và cảm thông. Có người mẹ chứng kiến tận mắt cảnh người chồng thân yêu bẹp rúm bên cạnh, phòng ngủ của ba đứa con thì sụt xuống. Đứa con lớn kinh hoàng há hốc miệng, đứa con thứ khóc gọi và giơ tay cầu cứu về phía mẹ, đứa con út vẫn ngủ ngon lành. Cảnh tượng ấy sau 16 năm vẫn như hiển hiện trước mắt bà. Có người mẹ may mắn hơn, tìm thấy con trong đống đổ nát nhưng lại phải chịu sự đau đớn, dằn vặt suốt 14 ngày và 2 giờ khi nhìn con chết dần mà không thể cứu được nó khỏi nơi bị mắc kẹt. Nụ cười và tiếng hát của đứa con gái 14 tuổi vẫn không thể phai mờ trong tâm trí người mẹ. Lời cảm thán: “…Thân thể của nó lúc ấy… máu thịt của chính tôi… Tôi đau, tôi đau lắm”. xoáy vào tâm can người đọc nỗi niềm của người mẹ. Rồi cả trại trưởng Đinh - người quản lí chung của trại - cũng có một niềm đau phải dấu kín trong lòng. Đó là nguyên nhân cái chết của đứa con gái sau vụ động đất… Tất cả các bà mẹ ở trại trẻ đều có tâm sự riêng, nỗi đau riêng nhưng họ gặp nhau ở sự mất mát người thân và tấm lòng thương yêu lũ trẻ của một người mẹ. Điểm chung đã kéo họ lại với nhau và trở thành những bà tiên chở che, nâng đỡ bọn trẻ bất hạnh sau thiên tai.
Tại sao trong mỗi phòng đều có bức họa con mắt trào lệ, trên con ngươi có hai chữ “tương lai”? Tôi hiểu rằng những bà mẹ ấy không hề quên quá khứ. Quá khứ vẫn là nỗi đau của riêng họ nhưng họ đã và đang cố gắng gạt nó sang một bên. Họ dành tình thương của NGƯỜI MẸ cho những đứa trẻ mất cha mất mẹ trong thảm họa. Tình yêu con năm xưa được san sẻ cho đàn con hiện tại không cùng máu mủ. Nói họ dũng cảm chưa đủ, tôi nói Họ là những người mẹ vĩ đại.
Nhưng nếu bạn cho rằng Hân Nhiên chỉ kể về những người mẹ thì bạn đã lầm. Xuất phát từ mục tiêu muốn biết nhiều hơn về người phụ nữ Trung Quốc, đặc biệt là giá trị cuộc sống của họ, Hân Nhiên nỗ lực tạo dựng một chương trình lắng nghe phụ nữ và chia sẻ với họ. Cô biết thêm về nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống của phụ nữ Trung Quốc qua tâm sự của họ. Và phần nhiều những dòng tâm sự ấy đã cung cấp một cái nhìn mới về phụ nữ Trung Quốc (qua chính con mắt của một phụ nữ Trung Quốc). Càng hiểu hơn về phụ nữ Trung Quốc, Hân Nhiên càng cảm thấy đau đớn hơn vì những gì đã nghe, đã thấy. Đó có thể là một trong những lí do khiến cô ra sức bảo vệ bản thảo cuốn sách trước một tên cướp cao đến 1m8 ở nhà ga nước Anh.
…
Tôi xin dừng lời ở đây bởi có những điều không thể nói hết thành lời và tôi lại không phải một nhà văn, nhà báo tài ba… Phần còn lại mời các bạn đọc và cảm nhận.
0 comments:
Đăng nhận xét